ARRIVAL – Họ đến Trái đất để làm gì?

Nếu bạn thích Interstellar, bạn sẽ thích phim này,
Nếu bạn ghét Interstellar, bạn cũng sẽ thích phim này.
Đến thời điểm này có thể nói chắc, bất chấp một vài khiếm khuyết, Arrival (Cuộc đổ bộ bí ẩn) vẫn là phim ngoài rạp hay nhất tôi xem tính từ năm ngoái đến giờ và có lẽ là phim về người ngoài hành tinh hay nhất trong chục năm lại đây.

Hình ảnh cô con gái chết trong bệnh viện hiện ra trong tâm trí Louise Banks, một nhà ngôn ngữ học. Cùng lúc đó, 12 tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh (alien) bỗng xuất hiện tại nhiều địa điểm trên Trái đất. Đại tá Weber, thay mặt chính phủ Mỹ, triệu tập Louise Bank, cùng với Ian Donelly, một nhà vật lý, và nhiều nhà khoa học khác vào đội nghiên cứu để tìm ra: Vì sao các aliens trên lại đến đây? Đội này sẽ được định kỳ đưa vào tàu vũ trụ để đối mặt với aliens mà họ đặt tên là loài Heptapod.

Ngăn cách với 2 aliens bởi một tấm kính, Louise và đồng nghiệp muốn qua giao tiếp mô phỏng sẽ học được ngôn ngữ của giống loài này. Khi Louise đã đủ vốn ngôn ngữ Heptapod để hỏi “Các bạn đến Trái đất làm gì?”, cô dịch được câu trả lời là “Đưa vũ khí”. Một nhóm điều tra độc lập của Trung Quốc cũng thu được thông điệp gần như thế: Dùng vũ khí. Thế giới náo loạn với nhiều quốc gia tuyên bố sẽ tấn công quân sự các tàu ngoài hành tinh. Song, Louise tự hỏi: Liệu từ “vũ khí” với dân Heptapod có đúng là vũ khí? Hay nó nghĩa là công cụ? Công nghệ? Hay còn cả một điều gì khác?

Arrival mang vẻ thu hút kiểu phim The Martian. Tương tự phiên bản Robinson Crusoe sao Hoả này, Arrival cung cấp kiến thức khá nặng kỹ thuật cho người xem theo cách vừa chân phương vừa hé ra nhiều háo hức, nó thổi lên ở họ một khao khát muốn được dẫn dắt và được khám phá về khoa học, ở đây là ngôn ngữ học. Mặt khác, nó lại chả cần xài các tiểu xảo như giản tiện hoá thái hoá, sến hoá khoa học, hay bôi ra các thể loại nguỵ khoa học (I’m looking at you, Interstellar, you pseudo-intellectual jerk). Tức là, Arrival vừa thông cảm hết sức cho trình độ người xem mà cũng vừa sẵn sàng ném ra vài thách thức.

Với tôi, Arrival còn đem lại một chút thú vị cá nhân, khi nó động đến những chủ đề như giả thuyết Sapir-Whorf và một số đặc tính ngôn ngữ – tư duy tôi từng search. Chỉ có cái các bạn chuyên gia trong Arrival, khi thốt ra những buzzword đã được cập nhật ko ít trong văn hoá đại chúng này, đáng ra phải khá thản nhiên, thì thi thoảng vẫn lộ ra một tý hãnh diện như của người ngoại đạo. Song cũng ko đánh giá lắm bởi chuyện này cũng không hề ảnh hưởng gì ý nghĩa phim.

Nói đến ý nghĩa, Arrival có thể có 3 thông điệp chính, mà có thể xếp hạng lần lượt là: The ugly, the so so, the terrific.

15994964_10210694323727743_5676051038805011694_o

The Ugly

Phần dở nhất của Arrival này lại có thể là phần dễ nhận ra và dễ được tung hô nhất.
Rất nhiều chi tiết mấu chốt trong Arrival không hề tìm thấy trong Story of your life, câu truyện gốc của bộ phim (viết bởi Ted Chiang, một nhà văn Mỹ gốc Đài). Cụ thể, đó là những chỗ mà nhiều nhân vật quan trọng như đại tá Weber, chỉ huy Mark, đại tướng Shang (ông này còn chả hề có mặt trong truyện), lại hành xử non nớt khó tin so với vị trí của họ, mà ngẫu nhiên các nhân vật này toàn thuộc phe mang thái độ “cảnh giác với alien”, trong khi phe của Louise “muốn tìm hiểu alien” thì luôn được mô tả như tiếng nói chính trực thông thái nhất.

Điều này không phải ngẫu nhiên, những chi tiết chèn thêm và biến đổi hẳn cốt truyện gốc này chính là những đoạn mang thông điệp tôn vinh thái độ “lắng nghe, giao tiếp, hoà giải với alien” và ngầm chê bai những ai “dám quan ngại về alien, dám cảnh giác phòng ngừa”, vẽ lên biếm hoạ của họ như là lũ dân chúng dốt nát, bầy nhân viên chính phủ chuyên quyền, và vài kẻ lãnh đạo độc tài ngu độn. Đến đây hẳn vài bạn đã thấy ngờ ngợ. Nếu thêm mảnh ghép cuối là mẩu tin trên TV về “Khủng hoảng người ngoài hành tinh”, thay từ “người ngoài hành tinh” bằng “người nhập cư”, tự nhiên mọi thứ thành sáng rõ.

Về cơ bản nếu alien sau này lại huỷ diệt Trái đất cũng ko có gì vô lý, và khi đó thì vai người khôn kẻ dại lại tráo đổi, tức là ai đúng ai sai vụ đối xử với alien này chỉ nằm ở ng viết kịch bản đóng vai Chúa muốn tung đồng xu cho ai thắng mà thôi, bởi thế ai thắng thì cũng chả có ý nghĩa khuyên răn gì thuyết phục. Tất nhiên là Hollywood, lãnh địa của cánh tả, mà lại lobby cho tư tưởng ủng hộ nhập cư thì cũng dễ hiểu, song ngược lại, chính thiên lệch chủ quan kiểu này cũng phần nào phá vỡ cảm giác chặt chẽ và khá thông minh ban đầu của bộ phim. Giống phát biểu của Meryl Streep gần đây, cánh tả nghĩ rằng có thể dùng ảnh hưởng văn hoá của mình để tác động dân chúng, mà không biết có thể chính họ sẽ bị dội lại mất uy tín từ sự lạm dụng ấy.

The so so

Buổi sáng hôm xem phim này, tôi đang chạy trên treadmill, màn hình chiếu phim về một toán thám hiểm bị lạc trong núi tuyết. Tôi ko xem, chỉ thoáng nghĩ “cái anh trông yểu yểu gà rù kia chắc sẽ là người cứu tất cả đây”. Rồi nhớ đến phim Melancholia, có vẻ như nhiều phim đều có cái xu hướng ấy, là ở những hoàn cảnh ngặt nghèo khi cả thế giới xung quanh đều tuyệt vọng, những người bình thường vốn tuyệt vọng lại có xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn số đông.

Đến tối xem phim tôi lại nhớ lại chuyện này. Cũng giống hành tinh Melancholia là ẩn dụ cho những nỗi u ám của con người có lúc kéo đến ko sao chặn nổi, thì Alien cũng có thể coi là ẩn dụ cho sự cô đơn hay cảm giác lạc lõng (being alienated). Mà ai có thể thích hợp để “giao tiếp” với sự lạc lõng hơn chính một người đang chìm đắm trong nó đây?

15896117_10210694329807895_698361717807716465_o

Đầu phim bạn sẽ nhận thấy Louise có vẻ ko bình thường. Ở cô có một cảm giác non-responsive với thế giới xung quanh, từ thái độ với tin tức về người ngoài hành tinh, với sinh viên, đến cả lúc được đưa ra tàu vũ trụ. Trong khi tất cả mọi người đều hồi hộp, căng trằn, lo sợ, hay háo hức, thì Louise lại khá ơ hờ hay đờ đẫn, như thể bị trapped trong một thế giới riêng với những bận tâm khác. Louise là người đầu tiên trong sự hoảng hốt của tất cả, cởi bỏ lớp áo bảo hộ bất chấp nguy cơ nhiễm độc, để giao tiếp “thật” hơn với alien. Không vì cô ấy dũng cảm hơn đồng đội. Mà bởi cô đã chả có gì để luyến tiếc thế giới, và bởi niềm cô đơn alien kia lại là người bạn quá đỗi thân thuộc của Louise.

Đến cuối Arrival, Louise không còn cô đơn nữa, cô có Ian (đây chắc ko đáng gọi là spoiler), và cô cũng đã tìm ra được một điều khác. Cả 2 điều ấy đều là kết quả gián tiếp của việc Louise từng đối mặt và nói chuyện với alien, với nỗi cô đơn, y như giao tiếp sẽ là cửa để mở ra những mối quan hệ.

The terrific

Theo tôi, một twist ‘n’ turn mẫu mực thì phải là một niềm hiển nhiên gây sửng sốt. Nghĩa là câu trả lời vốn đã chình ình trước mũi từ lâu lắm thế nhưng bằng các động tác giả nào đấy, đạo diễn vẫn có cách để nó lách qua ngay dưới mũi bạn, sau 20 phút, 45 phút, 60 phút, bạn vẫn ko biết gì, rồi khi nó đủng đỉnh khẽ đánh gót ghi bàn ở phút 90 thì bạn chỉ còn tâm phục khẩu phục. Mọi lựa chọn khác, hoặc ko bất ngờ, hoặc bất ngờ mà chả hợp lý, đều ko phải một twist hay ho (Yeah, still you, Interstellar, you fucking cheater)

Khi twist gỡ nút phim xuất hiện thì trong rạp có vài tiếng cười, cả chúng tôi cũng cười, có lẽ nửa thấy hài nửa tự hỏi “Thế á? Là … thế á?” Bởi vì twist này kinh điển quá cho thể loại sci-fi. Nhưng may Arrival vẫn còn một twist nữa. Nó đúng là một niềm hiển nhiên gây sửng sốt, mà còn ở phút 120.

Đầu phim, lúc chiếu cảnh con gái Louise bị chết vì ung thư, tôi có cảm giác phim này đi theo lộ trình của Gravity, một phim năm 2013 kể về nhà khoa học nữ Ryan cũng bị mất con gái trong một tai nạn, được gửi lên trạm vũ trụ của NASA, và trong môi trường ko thể tồn tại sự sống đó, cô ấy lại tìm ra được khao khát sống. Vũ trụ với màn đêm vô tận chính là cuộc đời, cơn bão thiên thạch với tốc độ 300km/h đang lao tới chính là những biến cố đau thương sắp xé nát con tàu từng chứa bạn. Trong hoàn cảnh ấy, bạn sẽ làm gì? Đứng đó và nhìn cuộc đời bạn rã tan, hay tìm cách đến được con tàu khác để quay về Trái đất? Nghĩ thế, tôi đã chắc mẩm lần này sẽ chỉ là chuyện cô Louise của Arrival sẽ làm khác cô Ryan của Gravity như thế nào, chứ còn đích của 2 cô thì na ná nhau mà thôi.

Tất nhiên như thường lệ, tôi nhầm. Phần thông điệp thứ hai thì có thể khớp với dự đoán này, còn phần hay nhất Arrival thì lại không nằm ở đấy.

Bởi nó sẽ còn ngược như thế.

arrival-trailer1-screen2

Nếu Gravity mô tả Ryan từ đáy vực bay ngược lên như phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn, thì Arrival sẽ mô tả cách Louise đã từ tốn ngả dần ra sau, từ tốn buông tay, để thả mình rơi xuống, rồi đến một thời điểm nào đó, vĩnh viễn mất hút trong đáy vực vong nhân.
Bởi vì đôi khi vấn đề không phải là vượt qua nỗi đau, mà chính là nỗi đau chả có gì cần phải vượt qua cả …

Đó là ngày họ đến.
Đó là ngày họ đi.
Và chúng tôi vẫn không biết mục đích họ đến Trái đất để làm gì.

Tôi không muốn spoil rõ nên dừng ở đây, chỉ báo là sau khi bạn nhận ra thông điệp này, tất cả đều kết nối, tại sao phim tên là Arrival, tại sao chữ của Heptapod lại hình tròn với những đặc điểm ấy, tại sao cô con gái lại bị một căn bệnh mà Louise mô tả là “it is like you, it can’t be stopped”, tại sao câu hỏi mấu chốt của phim lại là: Vì sao aliens đến trái đất? Cuối cùng thì, thực ra những sinh vật Heptapods ấy là ẩn dụ cho điều gì đây?

Final verdict

Với tôi thì Arrival sẽ nằm trong list những phim về aliens hay nhất của cả thập kỷ này, tất nhiên sau khi loại bỏ phần “đối thoại, hoà bình, lắng nghe” khiên cưỡng gượng gạo kia. Có lẽ để nói cho đủ về nó thì sẽ phải cần nhiều hơn một post, nó vượt ra cả câu truyện alien lẫn câu truyện của Louise và liên quan đến vài chủ đề triết học xuyên suốt nhiều truyện ngắn khác của Ted Chiang, rất khó nói ở bài này mà ko dính spoiler nên tôi sẽ dừng ở đây. Hãy tự đi xem và khám phá, hãy kiên nhẫn và chăm chú, bạn sẽ không thấy tiếc đâu.

Ở đầu phim, màu và ánh sáng rất tối, lúc ấy tôi đã nghĩ những cảnh này nhằm gợi lên cảm giác buồn. Nhưng mà không phải.

Đó không phải là tối của buổi tối, mà là buổi chiều, không phải khi ráng chiều vẫn có chút sắc hồng, mà là chiều nhá nhem, cái chiều mà hồi bé, khi những tia sáng cuối cùng của ngày sắp tắt, những đứa bạn của bạn cứ lần lượt bị gọi dần về nhà, chỉ còn lại vài đứa đứng vơ vất trong sân, và bạn chợt thấy bần thần. Bởi đó là cảm giác tiếc nuối.

Nếu như vì lý do nào đó mà sáng hôm sau mặt trời vẫn không ló rạng, rồi trời cứ nhá nhem như thế mãi, thì sự nuối tiếc ấy cứ mãi vơ vẩn ở đó, sự sống bị rút kiệt như một quả táo chỉ còn lại một cái vỏ nhăn nheo, nó ko phải một niềm đau đớn đặc biệt, mà là một sự tồn tại vật vờ.
Khi phim khép lại, bầu trời không bừng sáng, ánh nắng không rạng rỡ, cũng chả có diễn biến nào có hậu. Vẫn là buổi chiều ấy, sự nhá nhem ấy, và kết cục ấy. Nhưng chính trong cái nhá nhem khi ánh sáng cuối cùng của ngày gần chết, Louise đứng đó, cầm một ly rượu, quay lại, và mỉm cười.

Y như bạn cũng sẽ mỉm cười, quay lại, chạy một mạch về phía đang vang lên một âm thanh quen thuộc, phía một bóng hình mờ mờ đang đứng đó, giang tay ra, và đón bạn về nhà.

Reviewed by
Chau Thi Huyen Nguyen

facebook.com/gwens83

Bình luận về bài viết này